Giữ Lịch sử là môn học bắt buộc: CÓ LẼ QUỐC HỘI LẠI PHẢI CÓ NGHỊ QUYẾT MỚI T%E1%BA%A3i%20xu%E1%BB%91ng[/url]



Sáng qua, Chủ nhật 22-5-2022, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm ủy ban này - đã báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn lịch sử bậc THPT.
Phó chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu ý kiến cử tri, nhân dân, quy định Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ cần thiết kế khối lượng kiến thức lịch sử phần bắt buộc và phần lựa chọn cho phù hợp.
Giải thích về đề nghị trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho biết đa số thành viên Ủy ban không đồng tình việc đưa Lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn. Ủy ban đánh giá, Lịch sử là môn học đặc biệt quan trọng, giữ vai trò chủ đạo trong giáo dục chính trị, tư tưởng với thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống văn hóa, lịch sử.
Môn học này còn bồi dưỡng cho học sinh năng lực tư duy, hành động, thái độ ứng xử đúng đắn trong đời sống xã hội.
Bà Hoa đồng tình với quan điểm của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn, rằng "với Học sinh THPT (15-17 tuổi) có sự trưởng thành về nhận thức, là lứa tuổi quyết định sự hình thành thế giới quan, hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội, các nguyên tắc và quy tắc ứng xử, định hướng giá trị của con người. Việc bồi dưỡng kiến thức lịch sử cho học sinh THPT là cần thiết nhằm phát triển toàn diện, khêu gợi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh."
"Nếu không lựa chọn môn Lịch sử ở cấp THPT (tỷ lệ có thể lên tới 50%), các em sẽ không được tiếp cận với kiến thức rất quan trọng, có ý nghĩa giáo dục đối với lứa tuổi này", bà Hoa nói, thêm rằng ở nhiều nước, môn Lịch sử bậc THPT luôn bắt buộc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đồng tình Lịch sử phải là môn học bắt buộc vì thực tế học sinh THPT không mặn mà với môn học này, điểm số tại nhiều kỳ thi rất kém. Nguyên nhân không hẳn do Lịch sử không hấp dẫn mà chương trình nặng về "hàn lâm, ôm đồm và cách trình bày khá tẻ nhạt". Bà đề nghị thay đổi theo hướng khuyến khích các em nhìn nhận, đánh giá chứ không chỉ thụ động tiếp thu.
Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết tại các cuộc tọa đàm trước đó đã có những trao đổi rất quyết liệt, thậm chí gay gắt về việc giữ môn lịch sử là lựa chọn hay bắt buộc. Các thành viên Ủy ban đã biểu quyết đồng thuận 100% thông qua báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.
Google.tienlang bổ sung: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần làm rõ và trả lời cho công luận biết về ý kiến của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn: 
"Như vậy là đã rõ, việc xếp môn Lịch sử là môn tự chọn ở cấp THPT tức là lại một lần nữa Bộ lại tìm cách “bỏ" môn lịch sử, lần này là ở cấp PTTH. Tôi xin quý đồng chí đừng vội giải thích rằng chúng tôi không bỏ hoặc quy cho tôi vu khống Bộ vì không bỏ mà nói “bỏ“. Thực ra các vị đã muốn bỏ từ lâu, song sức ép của xã hội và của người dân yêu nước các vị không dám công khai bỏ mà tìm cách gián tiếp bỏ ở cấp cao nhất của giáo dục phổ thông, đó là đưa môn sử trở thành môn tự chọn, và tất nhiên học sinh sẽ rất ít và rất rất ít em chọn môn sử (tôi còn nhớ tại thành phố Đà Nẵng đã có năm Hội đồng thi PTTH chỉ có một thí sinh dự thi môn lịch sử).
Một câu hỏi đặt ra: Tại sao Bộ Giáo dục Đào tạo lại tìm mọi cách để hạ thấp vai trò, vị trí của môn Lịch sử trong suốt 10 năm qua?
Để trả lời câu hỏi này, tôi hoàn toàn không thể có câu trả lời nào khác là các đồng chí lãnh đạo Bộ đã xa rời Tư tưởng về giáo dục của Bác Hồ “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam“, xa rời quan điểm về Văn hoá của Đảng ta mà mới nhất ngay đầu năm tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc đã nhắc lại “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội: Văn hoá còn dân tộc còn; phải giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc...” và đặc biệt với cách làm đó đã vô tình hay cố ý tiếp tay cho những kẻ xét lại lịch sử (bởi vì khi đã làm cho xã hội mù sử thì đó là mảnh đất tốt để gieo mầm đổi trắng thay đen trong lịch sử, mà cuộc xung đột vũ trang ở Ucraina là tấm gương nhãn tiền trong việc nã đại bác vào lịch sử để rồi đưa cả dân tộc vào thảm họa), đồng thời cũng nằm trong âm mưu Diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch mà Mỹ là ông trùm xét lại lịch sử thế giới."
Google.tienlang cho rằng, Ý kiến nêu trên của Trung tướng Nguyễn Thanh Tuấn là rất nghiêm túc và là đại diện cho đông đảo người dân Việt Nam yêu nước. Có hay không cái mưu đồ phản động trong Nhóm Biên soạn sách giáo khoa? Nếu Ủy ban Thường vụ không làm rõ được điều này thì Quốc hội phải làm! Và lần này, Quốc hội nên có một Nghị quyết mới, ngắn gọn, súc tích quy định dứt khoát: Môn Lịch sử phải là môn học bắt buộc ở cấp THPT, chứ không "lồng ghép" nội dung này trong một Nghị quyết chung như đã làm năm 2015. 
Có như vậy mới có thể dập tắt mưu đồ phản động của Nhóm biên soạn sách giáo khoa.
Bùi Ngọc Trâm Anh